Thứ tư, 09-03 GMT+7

Hạ tầng giao thông Hà Nội đang ở mức báo động

Tại cuộc họp triển khai công tác quản lý nhà nước về giao thông, phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo TTATGT trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2016-2020, nhiều vấn đề bức xúc về giao thông Hà Nội đã được đưa ra bàn thảo, đặc biệt là sự quá tải đến mức báo động của hạ tầng giao thông...


Phương tiện giao thông cá nhân tăng với mức độ “nước sôi”, hạ tầng giao thông không đủ để đáp ứng.

Ngày 7-3, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cùng Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã họp với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) triển khai công tác quản lý nhà nước về giao thông, phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2016-2020. Tại cuộc họp này, nhiều vấn đề bức xúc về giao thông Hà Nội đã được đưa ra bàn thảo, đặc biệt là sự quá tải đến mức báo động của hạ tầng giao thông.

Theo đánh giá của Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải, thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với TP trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng, hoàn thành nhiều công trình quan trọng. Tuy nhiên, hàng loạt bất cập trong giao thông vẫn đang tồn tại, từ hạ tầng giao thông của Thủ đô đến vùng Thủ đô, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

“Các tuyến đường vành đai 1, 2, 3, các trục hướng tâm và các tuyến phố chính đô thị đều chưa kết nối hoàn chỉnh. Các tuyến vành đai 4, 5 chưa được đầu tư xây dựng. Đường vành đai 3 mới “vi vu” được mấy hôm, đang định tăng tốc độ lên nhưng không thể vì quá tải. Hạ tầng giao thông Hà Nội đang ở mức báo động. Báo động vì từng người dân ra đường đều vô cùng khó khăn khi tham gia giao thông”, Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhận định.

Bên cạnh đó, hệ thống vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là các tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội triển khai còn chậm. Trong khi đó, phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh dẫn đến ùn tắc giao thông và TNGT có nguy cơ tăng cao trở lại.

Nhận xét về mức độ bùng nổ phương tiện cá nhân ồ ạt hiện nay, cụ thể số lượng ôtô tăng 17%, xe máy 11% mỗi năm, trong khi dân số sinh sống ở Thủ đô đã lên tới cả chục triệu, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã so sánh với hình ảnh sự tăng trưởng "nước sôi" chứ không còn là tăng trưởng "nóng" nữa; cần tập trung xử lý nghiêm vấn đề ô nhiễm khói bụi, vệ sinh môi trường của các phương tiện giao thông như xe buýt, xe công trường, vệ sinh đường phố.

Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: “Phải tạo bộ mặt mới thực sự văn minh, thanh lịch cho Thủ đô ngay từ bộ mặt giao thông. Xe từ các công trường xây dựng phải vệ sinh sạch sẽ mới được ra phố. Theo các vị, Hà Nội có khả năng ô nhiễm bằng Bắc Kinh, tôi nghĩ còn hơn thế nếu không được quy hoạch từ bây giờ”.

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã công bố kế hoạch triển khai đầu tư một số dự án và hoàn thành ngay trong giai đoạn 2016 - 2017 nhằm giải quyết kịp thời tình trạng ùn tắc giao thông tại 7 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc của TP là: nút giao Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc, cầu vượt nút giao Bạch Mai - Lê Thanh Nghị, cầu vượt Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái, cầu vượt nút An Dương - đường Thanh Niên, cầu vượt nút giao Trần Hưng Đạo - Lương Yên, nút giao Cổ Linh và hầm chui Lê Văn Lương với tổng kinh phí trên 2.200 tỷ đồng.

Theo ông Chung, trong giai đoạn 2011-2015, Hà Nội đã triển khai đầu tư hoàn thành một số công trình giao thông cấp bách chống ùn tắc giao thông, góp phần giảm ùn tắc giao thông từ 114 điểm ùn tắc năm 2011 xuống còn 46 điểm.

“Phấn đấu trong năm 2016, Hà Nội sẽ giảm số điểm ùn tắc thường xuyên xuống 23 điểm”, ông Chung khẳng định.

Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng, có lộ trình kiểm soát chặt chẽ phương tiện cá nhân, di dời các cơ quan hành chính, trường đại học, cao đẳng dạy nghề, các bệnh viện lớn ra khỏi phạm vi trung tâm TP. “Đồng thời xử lý triệt để hiện tượng xe dù, bến cóc, kiểm soát chặt chẽ phương tiện vận tải và xe siêu trường, siêu trọng”, ông Chung quyết liệt.

Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã đề ra phương án đưa thêm các cơ chế, chính sách huy động vốn đầu tư như vốn ngân sách, ODA, BT, BOT... đối với các công trình kết cấu hạ tầng giao thông khung, đặc biệt là các công trình đường sắt đô thị. Để đảm bảo công việc thông suốt, theo đồng chí Hoàng Trung Hải, TP Hà Nội cam kết đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án giao thông trọng điểm.

"Muốn làm tốt công tác này quan trọng nhất phải có sự đồng thuận của người dân. Người dân không ủng hộ thì không cách nào triển khai hiệu quả công việc", Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.

Theo Đồ án Quy hoạch GTVT Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được UBND TP Hà Nội trình Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đang hướng tới xây dựng hệ thống giao thông vận tải hoàn thiện đáp ứng được các tiêu chí: Bền vững, đồng bộ, hiện đại. Trong Đồ án nêu rõ, để khắc phục hàng loạt bất cập đang tạo áp lực lên hệ thống giao thông TP, Hà Nội sẽ tập trung phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, đảm bảo tỷ lệ diện tích đất giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt 20 - 26% cho đô thị trung tâm và đạt 18 - 23% cho các đô thị vệ tinh. Trong đó, diện tích đất cho giao thông tĩnh cần đạt 3-4%. Hà Nội cũng tập trung cải tạo và xây dựng mới 185 nút giao khác mức giữa các đường cao tốc, đường trục chính đô thị với đường ngang, xây dựng mới 11 cầu cộng 6 cầu hiện hữu vượt sông Hồng trong khu vực Hà Nội... Cùng với đó là 8 tuyến đường sắt đô thị khu vực đô thị trung tâm; 8 tuyến xe buýt nhanh; 11 tuyến cao tốc, 8 quốc lộ và 2 đường vành đai liên vùng nối giao thông từ Thủ đô đi các phía.

 

(baoxaydung.com.vn)
Đường dẫn của bản tin này: http://acud.vn//.html&t=ha-tang-giao-thong-ha-noi-dang-o-muc-bao-dong
© ACUD.VN: Chuyên trang Thông tin - Thư viện xây dựng onlineEmail: support@acud.vn