Thứ ba, 08-03 GMT+7

Phụ nữ ngành xây dựng – Những góc nhìn đẹp

Trong ngành xây dựng - một lĩnh vực khô khan đặc thù mà trong vòng một thập kỷ trở lại đây, xuất hiện ngày càng nhiều những nữ lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện chuyên môn quan trọng tưởng như chỉ phù hợp với phái nam nhưng họ đã chứng minh được năng lực, thậm chí hơn hẳn so với các đồng nghiệp nam.


Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh tiếp khách quốc tế.

Ngày nay, những phụ nữ nắm giữ các vị trí then chốt tại các ngành quan trọng, các doanh nghiệp lớn, những người phụ nữ “chân yếu tay mềm” nhưng không hề thua kém các đối tác nam tại những buổi họp quan trọng, được giới mày râu kính nể và trọng vọng đã không còn là trường hợp hiếm hoi nữa.

Trong ngành xây dựng - một lĩnh vực khô khan đặc thù như vậy mà trong vòng một thập kỷ trở lại đây xuất hiện ngày càng nhiều những nữ lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện chuyên môn quan trọng tưởng như chỉ phù hợp với phái nam và họ đã chứng minh được năng lực thậm chí hơn hẳn so với các đồng nghiệp nam.

1. Trong một cuộc tọa đàm về vai trò của người phụ nữ có giáo dục, bà Nguyễn Thị Bình chia sẻ: “Phải có giáo dục chúng ta mới biết được quyền của mỗi chúng ta, có cơ hội sống tốt và thành đạt, có cuộc sống tự do và hạnh phúc. Trong xã hội văn minh, người phụ nữ có tầm quan trọng nhất định đối với sự phát triển của con người và đất nước. Người phụ nữ Việt Nam đã đóng góp rất nhiều cho công cuộc giải phóng và xây dựng đất nước”.

Chị Trần Thị Hồng Hạnh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng tại TP Hồ Chí Minh cũng bày tỏ: Chỉ một thời gian ngắn triển khai hoạt động, Cơ quan Thanh tra Bộ Xây dựng tại TP HCM đã tiết kiệm hàng trăm triệu đồng chi phí hoạt động; thu hồi cho Nhà nước hàng tỷ đồng qua một số cuộc thanh tra…

Nhận thức thanh tra là một công việc mang tính đặc thù liên quan trực tiếp đến lợi ích Nhà nước và nhân dân; liên quan đến uy tín, danh dự của đối tượng thanh tra, công việc này luôn đòi hỏi mỗi người trong lực lượng phải có đạo đức trong sáng, kiến thức chuyên ngành, kiến thức pháp luật uyên thâm; phải thường xuyên thích ứng với sự đổi thay của hệ thống quản lý kinh tế trong hội nhập quốc tế nên tôi luôn có ý thức học hỏi từ những người đi trước, từ các đồng nghiệp, từ sách vở; tự rút kinh nghiệm sâu sắc để làm sao sau mỗi cuộc thanh tra mình trưởng thành thêm một bước… ”

2.Bí quyết nào giúp cho phụ nữ thành công trong thế giới ngày nay? “Bí mật” đó dù có vẻ giản đơn nhưng lại đòi hỏi người phụ nữ một ý chí và nghị lực không nhỏ để có thể hoàn thành tốt 2 vai trò cùng lúc trong cuộc sống bận rộn ngày nay: làm việc nơi công sở và làm vợ, làm mẹ.

Là người có 25 năm công tác trong ngành xây dựng, Tiến sĩ Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) hiện đang thực hiện chức năng quản lý nhà nước và thực thi pháp luật đối với lĩnh vực phát triển đô thị; tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, đề án về lĩnh vực phát triển đô thị, phụ trách khu vực phía Nam.Với chị, công việc tâm đắc và cũng là công việc giành nhiều trí lực là quản lý phát triển đô thị hướng tới mục tiêu đô thị phát triển bền vững có chất lượng, có đầy đủ nơi ở, nơi làm việc nghỉ ngơi giải trí, giao thông thuận tiện; cảnh quan đô thị xanh sạch đẹp, có trật tự, kiến trúc có sắc thái riêng theo vùng miền; đô thị phát triển phù hợp với điều kiện địa phương ứng phó kịp thời với rủi ro từ biến đổi khí hậu.

Chị Lan Anh bộc bạch: Hiện nay việc ngày càng nhiều, sức ép cũng ngày càng lớn, cần sự tận tâm cho công việc, tính chuyên môn, chuyên nghiệp ngày một cao hơn, việc sắp xếp thời gian cho bản thân, gia đình ngày một khó cân bằng hơn. Để có thể giữ được tự tin, tự trọng, vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình, cộng đồng và xã hội, phụ nữ phải cố gắng phát huy những phẩm chất đạo đức truyền thống, xây dựng lối sống hiện đại, lành mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước.

Chị Nguyễn Thị Duyên, Chủ tịch HĐQT TCty Tư vấn Xây dựng Việt Nam là một trong những nữ tướng ngành xây dựng mà nhắc đến chị nhiều người biết tên và kính nể. Từng kinh qua nhiều nhiệm vụ quan trọng: lãnh đạo doanh nghiệp xây lắp, Giám đốc ban quản lý Dự án Trung tâm Hội nghị Quốc gia, lãnh đạo Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp… nhưng ở cương vị nào chị cũng thể hiện bản lĩnh, chuyên môn vững vàng và độ quyết liệt không thua kém bất cứ đấng nam nhi nào. Chị quan niệm: “Đừng ngại ngần đảm trách nhiều vị trí khác nhau! Bạn càng có kiến thức sâu rộng về hoạt động của ngành, bạn càng được đánh giá cao”.

Chị Phạm Thị Nhâm, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị nông thôn Quốc gia cũng có câu chuyện của riêng mình: “Tôi làm việc gần 25 năm tại Viện quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia. Tâm đắc của tôi với công việc đó là được thử sức tham gia nhiều quy hoạch trên các vùng lãnh thổ. Qua đó giúp tôi hiểu biết hơn về đất nước con người Việt Nam, các nền văn minh khác nhau, tiến trình phát triển của mỗi vùng miền trong cả nước theo thời gian. Những thách thức, khó khăn mà tôi phải nỗ lực vượt qua, đó là làm sao sắp xếp thời gian 1 cách khoa học nhất, phù hợp với sức khoẻ của mình, để tôi vừa đảm nhận công việc ở cơ quan, vừa có một mái ấm gia đình.”

3. Phụ nữ đẹp về hình thức - đó là quà tặng của tạo hoá. Nhưng phụ nữ đẹp về tâm hồn – đó là sự rèn luyện về tri thức và đạo đức.

Chị Đoàn Tố Như, Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng là một ví dụ. Ngoài công việc chuyên môn của một cán bộ quản lý, chị trau dồi nuôi dưỡng tâm hồn mình qua những trang sách. Chị dày công ghép tựa những cuốn sách chị từng đọc để viết thành tản mạn về cuộc đời: “Đọc “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” thương lắm “một đoạn đời để nhớ”. “Mãi mãi tuổi 20” đau đáu câu hỏi “bạn là ai” mà nguyện “sống như anh”. “Trần thế” này còn “quyền lực thứ tư” cùng “lãnh đạo và sự tự lừa dối” . “360 độ lãnh đạo” cũng không bằng “nghệ thuật bán hàng”. “Vươn tới đỉnh cao” cùng “đắc nhân tâm” và “hạt giống tâm hồn”. “Bí quyết của hạnh phúc” là “Phút dành cho cha”, “Phút dành cho mẹ”. “Ếch” ở “sông” mơ “khoảng trời mênh mông” cùng “đất trời phương Nam”. “Người mẹ cầm súng” với những điều “không thể và có thể”. “Nhân tướng học toàn thư” nói nhiều về “tính khí con người”. Hơn “ba lần và một lần” bàn về “sự sống và cái chết”. “Học chữ Nhẫn trong cuộc sống” tin rằng lên thiên đường cũng có “ma chiến hữu”. “Hai số phận” “hậu cuốn theo chiều gió” dự báo về “trăm năm cô đơn”. “Báu vật của đời” là “chữ Tâm trong cuộc sống”. “Thép đã tôi thế đấy” bất chấp “cát bụi thời gian”. “Suy nghĩ đầu tuần” về “Khổng tử tinh hoa”. Muốn viết “tiểu thuyết đàn bà” để nói nhiều về quân tử”.


Chị Đoàn Tố Như – Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng và những khoảnh khắc thư giãn lãng mạn.

4. Một tờ tập chí từng đưa ra bảng khảo sát với 9 câu hỏi lượng giá mức độ quan trọng của các yêu cầu về người phụ nữ thế kỷ 21 như sau: 1/Dám nghĩ, dám làm. 2/Có học vấn và hiểu biết. 3/Bản lĩnh, quyết đoán. 4/Đảm đang, khéo léo. 5/Có định hướng cho sự nghiệp nhưng gia đình vẫn là nền tảng. 6/Độc lập trong công việc và cuộc sống. 7/Duyên dáng trong cử chỉ và lời nói. 8/Giàu tình cảm và biết quan tâm chia sẻ. 9/Có tinh thần cầu tiến.

Bảng khảo sát khá tiêu biểu cho một chuẩn mới của người phụ nữ. Các đơn vị sự nghiệp ngành xây dựng không xa lạ khi nhắc tới chị Minh Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch - Viện Kiến trúc Quốc gia Việt Nam. Chị có 20 năm lăn lộn, gắn bó với chuyên môn của một cán bộ tư vấn quy hoạch đô thị miền núi. Những chuyến công tác nặng ân tình như duyên nợ, cảm nhận cái nghèo đói, thiếu thốn của đồng bào. Và không biết từ khi nào, chị đã trở thành gương mặt thân quen với đồng bào vùng cao bằng những chuyến thiện nguyện bền bỉ, thầm lặng.

Hoá ra, khái niệm người phụ nữ thành đạt trong xu thế hiện đại vừa đơn giản vừa phức tạp, mà theo cách nói ngắn gọn của bà Nguyễn Thị Thuỷ Lệ, Phó Chủ tịch Công đoàn Xây dựng Việt Nam: “Thành công trong sự nghiệp nhưng phải đạt được hạnh phúc gia đình”. Mái ấm gia đình - nghe có vẻ cũ, không hiện đại, nhưng vẫn luôn là thước đo để công nhận sự thành đạt của người phụ nữ trong bất kỳ xã hội nào.

(baoxaydung.com.vn)
Đường dẫn của bản tin này: http://acud.vn//.html&t=phu-nu-nganh-xay-dung-nhung-goc-nhin-dep
© ACUD.VN: Chuyên trang Thông tin - Thư viện xây dựng onlineEmail: support@acud.vn