Thứ hai, 13-07 GMT+7

Hải Phòng Nhiều khuất tất trong việc đầu tư hệ thống nhạc nước

Dự án công trình hệ thống nhạc nước kết hợp âm thanh ánh sáng tại hồ Tam Bạc (Hải Phòng) có tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng được kỳ vọng tăng sự hấp dẫn cho du khách, phục vụ đông đảo người dân nhưng đến nay đã lộ rõ nhiều khuất tất...
 


Đến thời điểm hiện nay, công trình nhạc nước đang trong tình trạng phơi mình dưới hồ .

Những quyết định hỏa tốc đến khó ngờ

Theo những tài liệu PLVN thu thập được, cuối tháng 10/2014, Cty TNHH Du lịch Sơn Lâm (gọi tắt là Cty Sơn Lâm, trụ sở tại Hà Nội), một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, tổ chức sự kiện trình bày ý tưởng thiết kế lắp đặt điện chiếu sáng Nhà hát Lớn TP.Hải Phòng, đèn trang trí một số tuyến phố và hệ thống nhạc nước kết hợp âm thanh ánh sáng tại hồ Tam Bạc với lãnh đạo TP.Hải Phòng.

Ngay tại cuộc họp này, ông Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng (nay là Bí thư Thành ủy Hải Phòng) đã kết luận: “Việc lắp đặt hệ thống nhạc nước kết hợp ánh sáng tại hồ Tam Bạc là rất cần thiết”.

Ban đầu, ông Điền “quyết” nguồn vốn xây dựng hệ thống nhạc nước được xác định là nguồn ngân sách và xã hội hóa. Cũng chỉ vài ngày sau, ngày 03/11, ông Dương Anh Điền đã quyết định giao cho Cty Sơn Lâm được làm chủ trì thiết kế, chủ trì thi công công trình nhạc nước trị giá gần 200 tỷ đồng.

Hồ Tam Bạc nằm giữa nội thành, thuộc dải trung tâm TP.Hải Phòng, gắn với bao kỷ niệm thân thiết của nhiều thế hệ người Hải Phòng, nơi từng chứng kiến những thời điểm lịch sử, phút chốc được Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng biến thành nơi trình diễn nhạc nước không thông qua trình tự theo quy định pháp luật.

Người dân Hải Phòng thì “ngỡ ngàng” khi không được chính quyền tổ chức tuyên truyền, thông báo để được biết, được bàn, được kiểm tra một dự án lớn tiêu tốn đến hàng trăm tỷ ngân sách nhà nước.

Chưa hết, để đảm bảo “công trình văn hóa”, “đứa con tinh thần” trị giá gần 200 tỷ đồng của mình được “thông dòng, bén giọt” ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng được phân công trực tiếp chỉ đạo xây dựng công trình nhạc nước. Thời gian để ông Nam cùng các ngành chức năng, Cty Sơn Lâm hoàn thành việc lựa chọn phương án, thiết bị để trình TP.Hải Phòng quyết định đầu tư cũng chỉ hơn 10 ngày làm việc.

Ngày 01/12/2014, trước khi được điều chuyển công tác ít ngày, đích thân ông Dương Anh Điền đã ký quyết định thay đổi quy hoạch chi tiết hồ Tam Bạc - dòng sông Bonnal thơ mộng cũ được người Pháp thiết kế chảy ngang TP, một cây cầu để “nhét” công trình nhạc nước xuống hồ Tam Bạc.

Quyết định đầu tư vội vàng, bỏ qua các quy trình luật định còn thể hiện ở việc ngày 05/12/2014, Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) Hải Phòng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng TP.Hải Phòng mới trình nội dung giải trình, thẩm định dự án tới Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng.

Cũng trong ngày 05/12/2014, ông Dương Anh Điền đã “bút phê”, chỉ đạo tới ông Lê Khắc Nam để ông Nam ký ngay quyết định phê duyệt dự án đầu tư Hệ thống công trình biểu diễn nhạc nước đúng ngày 05/12/2014, đúng mức dự toán Cty Sơn Lâm đề nghị trước đó.

Sự bất thường trong quyết định phê duyệt, lựa chọn Cty Sơn Lâm được ông Điền, ông Nam chỉ định vừa là người trình phương án xây dựng, thiết kế rồi làm nhà thầu thi công còn thể hiện ở việc ngày 09/01, ông Đan Đức Hiệp, Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng thay mặt UBND TP.Hải Phòng gửi tới Thường trực Thành ủy Hải Phòng, trong đó có ông Điền, lúc này giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Hải Phòng, để đề xuất lựa chọn nhà thầu thi công công trình nhạc nước, công trình được Hải Phòng xác định là công trình trọng điểm, kỷ niệm Ngày giải phóng Hải Phòng. “Tiếng” là văn bản xin lựa chọn nhà thầu nhưng tại văn bản này, ông Hiệp cũng chỉ ra có duy nhất Cty Sơn Lâm là nhà thầu dự án.

Ngay trong ngày 9/1, một văn bản của Văn phòng Thành ủy Hải Phòng được ban hành để thông báo việc Thường trực Thành ủy đã đồng ý với đề xuất của TP.Hải Phòng lựa chọn Cty Sơn Lâm là nhà thầu thi công công trình nhạc nước.

Rất “mau lẹ”, ngày 09/01 ông Lê Khắc Nam đã ký quyết định phê duyệt cho Sở VH-TT&DL Hải Phòng lựa chọn, chỉ định Cty Sơn Lâm được làm nhà thầu xây dựng hệ thống nhạc nước. Điều khôi hài trong quyết định phê duyệt, lựa chọn thầu được ông Lê Khắc Nam ký còn thể hiện ổ chỗ, Cty TNHH Du lịch Sơn Lâm được chỉ định thầu các gói thầu thiết kế, thi công, cung cấp, lắp đặt thiết bị cho dự án nhưng ông Nam vẫn “thòng” quy định Sở VH -TT&DL TP.Hải Phòng thực hiện kế hoạch đấu thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu…

Có dấu hiệu “lợi ích nhóm”

Sự khuất tất trong việc quyết định đầu tư công trình nhạc nước còn được thể hiện ở việc thiết bị nhạc nước phải được nhập khẩu từ Mỹ. Để thẩm định nguồn gốc thiết bị, trong quyết định phê duyệt đầu tư, ông Nam có yêu cầu Sở Khoa học và Công nghệ TP.Hải Phòng thẩm định về danh mục, nguồn gốc số thiết bị.

Một vị lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ TP.Hải Phòng đề nghị giấu tên cho biết, hầu hết số thiết bị này đều có xuất xứ từ Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á. Do vậy, giá của gói thiết bị này có thể thấp hơn rất nhiều so với báo giá, giá được TP.Hải Phòng phê duyệt.

Để né tránh việc phải đấu thầu rộng rãi gói thầu thiết bị (chưa rõ nguồn gốc) được nhập khẩu, lãnh đạo TP.Hải Phòng còn viện dẫn hệ thống trình diễn kết hợp âm thanh ánh sáng, kỹ xảo nghệ thuật … được doanh nghiệp này nhập khẩu, lắp đặt là tác phẩm nghệ thuật dưới dạng kịch bản văn học, là tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh, gắn với quyền tác giả.

Công trình nhạc nước kết hợp âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo nghệ thuật được hy vọng sẽ làm thay đổi diện mạo khu vực trung tâm TP.Hải Phòng theo hướng văn minh, hiện đại, tạo cảnh quan không gian, bản sắc riêng cho Hải Phòng trị giá gần 200 tỷ đồng được ấn định hoàn thành, đưa vào sử dụng trước ngày 30/4.

Đến hẹn, công trình nhạc nước được trình chiếu khiến không ít người dân Hải Phòng hoài nghi, thắc mắc bởi các tiết mục đơn điệu, các dải nước màu được phun lên nhưng thiếu hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, không tạo được hình ảnh sinh động vào ban ngày, đẹp vào ban đêm.

Sau ít ngày hào hứng chờ đợi, người dân Hải Phòng càng bất ngờ hơn khi kịch bản âm thanh, ánh sáng của dàn nhạc nước chỉ quanh quẩn ở hai bài hát về Hải Phòng, không có bất kỳ bản nhạc quốc tế hay các ca khúc hay về Hải Phòng, TP.HCM, Hà Nội làm nền cho 8 chủ đề kịch bản chương trình nhạc nước như Cty Sơn Lâm đã “báo cáo” ông Điền, ông Nam trước đó. Hàng đêm, chương trình nhạc nước của Hải Phòng chỉ thu hút được dăm, mười người dân đi tập thể dục bên hồ Tam Bạc.

Lãnh đạo Sở VH-TT&DL TP.Hải Phòng cho biết, đến nay, quá thời hạn 3 tháng nhưng công trình nhạc nước vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và chạy thử nghiệm. Trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri TP.Hải Phòng, nhiều cử tri đã đề nghị các lãnh đạo TP phải làm rõ dấu hiệu vụ lợi, “lợi ích nhóm”, lãng phí, phá vỡ quy hoạch đã được duyệt trước đó trong việc quyết định đầu tư một hạng mục công trình trị giá gần 200 tỷ đồng chỉ để hàng đêm “sáng đèn, phụt nước” 30 phút, phục vụ số ít người dân đi tập thể dục bên hồ Tam Bạc.

Nguy cơ một dự án được coi là trọng điểm, điểm nhấn của Hải Phòng sẽ bị “chết yểu” bởi chất lượng và tính hấp dẫn của dự án không còn, khiến cho người dân cảm thấy bất bình.

Theo: Đông Bắc (Baophapluat.vn)

Đường dẫn của bản tin này: http://acud.vn//.html&t=hai-phong-nhieu-khuat-tat-trong-viec-dau-tu-he-thong-nhac-nuoc
© ACUD.VN: Chuyên trang Thông tin - Thư viện xây dựng onlineEmail: support@acud.vn