Thứ hai, 20-04 GMT+7

Không có công trình tốt trong quy hoạch thiếu đồng bộ

Lịch sử phát triển kiến trúc Việt Nam đã từng bước được định hình và khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất của nhân dân, góp phần xây dựng đất nước.
 


Các cụm khu đô thị nối tiếp nhau khu vực phía Tây Hà Nội.

Phải thừa nhận rằng kiến trúc Việt Nam chưa tạo lập được phong cách riêng, trường phái riêng cho cả quốc gia và từng địa phương. Nhiều tìm tòi trong thời gian qua là đáng được hoan nghênh nhưng còn lẻ tẻ, đơn điệu, chưa tạo lập được sự hài hòa, đồng bộ về kiến trúc đô thị và nông thôn. Một số công trình đã tìm tòi theo hướng truyền thống như Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam, Khu tưởng niệm Củ Chi hay Thiền viện Tây Thiên... được dư luận đánh giá tốt.

Một hướng khác là chọn lựa, làm mới kiến trúc dân gian theo công năng hiện đại, nhất là trong một số trụ sở, văn phòng, khu resort... Có giai đoạn xu hướng này đã trở thành hiện tượng phổ biến được chấp nhận.

Một xu hướng dễ thấy ngày nay là nhập khẩu, sao chép kiến trúc nước ngoài, nhất là trong các khu đô thị mới. Tuy đã mang lại một số nét mới nhưng cơ bản còn xa lạ. Đáng quan tâm là xu hướng thử nghiệm tìm tòi kiến trúc bản địa đương đại từ cách tân, đổi mới kiến trúc truyền thống. Tiếc là chưa đủ sâu sắc để xem là kiến trúc Việt Nam, dân tộc và hiện đại.

Nguyên nhân của việc chưa định hình được Kiến trúc Việt Nam thì có nhiều, từ năng lực sáng tạo của kiến trúc sư, từ năng lực quản lý, từ điều kiện để sáng tạo kiến trúc... Song có nguyên nhân dễ thấy đó là chất lượng, định hướng về quy hoạch không gian đô thị và điểm dân cư nông thôn.

Quy hoạch và Quản lý tác động tới chất lượng công trình tốt

Thực tế, kiến trúc là sự tổng hòa của các mối quan hệ tương hỗ. Trong hầu hết các trường hợp, xã hội mới chỉ nhận rõ các chủ thể tham gia trực tiếp (chủ đầu tư, đơn vị quản lý cấp phép, tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công xây dựng và hoàn thiện…) có ảnh hưởng mạnh đến chất lượng thi công xây dựng mà chưa thực sự thấy rõ những tác nhân gián tiếp tới kết quả chất lượng công việc.

Các yếu tố gián tiếp có thể bao gồm quy hoạch xây dựng, quản lý cấp phép, thanh tra kiểm tra xây dựng, quản lý của chính quyền địa phương… tuy mang tính “không trực tiếp” nhưng thực tế lại tác động mạnh tới chất lượng, thời gian thi công công trình.

Quy hoạch đô thị và nông thôn nước ta hầu hết được tiến hành bài bản nhưng phần đông mới chỉ có hiệu lực trên giấy. Quy hoạch được chỉnh sửa nhiều lần theo các giai đoạn, dù được lý giải là cần thiết trong bối cảnh bùng nổ phát triển thời gian qua, nhưng cũng làm xáo trộn không nhỏ môi trường đầu tư xây dựng, đặc biệt là với các dự án có quy mô lớn, thời gian đầu tư xây dựng dài.

Chủ đầu tư trong bối cảnh đó cũng lựa chọn phương án đầu tư xây dựng trước các công trình có độ phức tạp vừa và đơn giản, thu hồi vốn nhanh. Chính vì vậy, rất nhiều các khu đô thị hiện nay thiếu các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng điểm nhấn có chất lượng cao.

Khái niệm quy hoạch chia lô đã tồn tại trong nhiều năm, các lô đất chạy dọc, bám sát ra rìa những trục đường cao tốc bắt đầu bộc lộ rõ nhược điểm trong bối cảnh đô thị mở rộng nhanh và mạnh. Quy hoạch chia lô rẻ và dễ trong đầu tư hạ tầng, nhưng phân lô khiến rất nhiều công trình dựa lưng, chen vai vào nhau, mặt tiền duy nhất quy về một hướng khiến công trình đôi khi chỉ có thể mở cửa sổ theo mặt tiền hướng Tây, là hướng nắng chiếu bất lợi nhất cho công trình xây dựng ở Việt Nam.

Thiết kế kiến trúc công trình cũng mất nhiều công sức để khắc phục, tạo nên những công trình có chi phí đầu tư và vận hành cao, đặc biệt đáng kể đối với các tòa nhà cao tầng quy mô lớn. Quy hoạch chia lô cũng dẫn đến những công trình kiểu "đèn nhà ai nhà nấy rạng". Công trình cao tầng nào cũng có trung tâm thương mại, siêu thị, nhưng chiều cao, khoảng mở, màu sắc vật liệu rất khác nhau, đôi khi đối chọi nhau.

Rất nhiều nước phát triển trong khu vực đã nhận rõ ưu nhược điểm của quy hoạch chia lô nên đã có sự điều chỉnh như hạn chế phân lô các lô đất có diện tích nhỏ, sử dụng đường gom cho các lô đất lớn bám theo các trục giao thông lớn, quy hoạch các khuôn viên cao tầng thường có đường giao thông bốn mặt.

Quy hoạch và quản lý quy hoạch không đồng bộ cũng khiến đồ án quy hoạch bị vô hiệu hóa. Công trình cao thấp không đồng nhất bám dọc theo trục đường chính, các công trình tự làm xấu bởi sự cạnh tranh với nhau tạo nên một tổng thể cảnh quan chung thiếu đồng nhất, xấu mỹ quan đô thị. Rất nhiều công trình đẹp, vì quản lý dễ dãi phải đứng cạnh những công trình “chả mấy liên quan”. Tổng thể cả tuyến phố vì thế cũng không thể lấy gì làm hãnh diện.

Những khối hộp chung cư như thế này đang rất phổ biến tại các đô thị Việt Nam.

Quy hoạch những đô thị xanh và những công trình tốt

Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 112/2002/QĐ-TTg về định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến 2020, trải qua hơn 10 năm với nhiều chính sách mới và chương trình hành động, nhiều nghiên cứu, hội thảo song kết quả thực hiện chưa như mong muốn. Ngày nay trong xu thế hội nhập, phát triển bền vững đã xuất hiện những nghiên cứu, tìm tòi mới đó là: đô thị bền vững, đô thị sinh thái, kiến trúc sinh thái, đô thị xanh, kiến trúc xanh, công trình xanh... đã là những khởi sắc đáng mừng nhưng còn khoảng cách với thực tiễn.

Để nhìn nhận yêu cầu này, phải chăng trước hết cần xem từ quan điểm phát triển kiến trúc, đó là: Kiến trúc phải phù hợp với yêu cầu phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Kiến trúc phải góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội mà trước mắt là góp phần đưa nước ta về cơ bản là nước công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Cần xem xét đến vai trò của kiến trúc không chỉ là góp phần mà phải là động lực để phát triển kinh tế - xã hội; Kiến trúc phải gìn giữ, bảo vệ môi trường và phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng miền; Kiến trúc phải góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng sống, coi trọng lợi ích của toàn xã hội. Kiến trúc bắt nguồn từ cuộc sống thực tiễn nhưng mục đích cao nhất phải là phục vu đại đa số quần chúng nhân dân đó là tính đại chúng; Kiến trúc phải áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ. Ngày nay điều kiện hội nhập đã thuận lợi song cần tiếp thu có chọn lọc; Kiến trúc của Việt Nam nên phải kế thừa các yếu tố truyền thống từ kiến trúc dân gian, từ lối sống Việt. Kiến trúc công trình phải hài hòa và góp phần phát triển đô thị bền vững, điểm dân cư nông thôn bền vững.

Với các quan điểm nêu trên trong bối cảnh toàn cầu đang hướng tới phát triển bền vững và nhất là Việt Nam đã công bố chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011-2020 (Quyết định 432/CP-TTg ngày 12/4/2012) là những tiền đề thuận lợi để nghiên cứu đô thị bền vững - kiến trúc bền vững hoặc cụ thể hơn là Đô thị xanh, kiến trúc xanh.

Đô thị hóa đang chuyển mạnh sang các nước châu Á là yếu tố cần quan tâm. Hiện nay thế giới đã có gần 60% dân số sống trong đô thị và Việt Nam đang xấp xỉ 32%. Theo định hướng đến 2025 sẽ là 50%. Đô thị hóa là xu thế tất yếu song cũng là những thách thức:

- Tác động đến môi trường, đến hệ sinh thái, trước hết là tài nguyên đất đai.

- Đô thị hóa làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên do khai thác để phục vụ nhu cầu sống, xây dựng và sản xuất.

- Đô thị hóa gây tổn hại nghiêm trọng đến đa dạng sinh học.

Với những thách thức này rõ ràng cần xem xét công trình kiến trúc bền vững trong tổng thể không gian đô thị bền vững, nông thôn bền vững. Một đô thị bền vững - đô thị xanh phải được hình thành từ các công trình xanh - kiến trúc xanh. Đã có nhiều nghiên cứu, bài học từ kiến trúc truyền thống, từ kinh nghiệm của nước ngoài. Trong phạm vi bài này, xin đề cập đến một số tiêu chí:

- Địa điểm xây dựng (từ đô thị, điểm dân cư nông thôn, đến chức năng công trình trong tổng thể) và cấu trúc không gian đô thị phải đáp ứng yêu cầu tôn tạo, khôi phục hệ sinh thái tự nhiên, phủ xanh bề mặt, phòng chống thiên tai, tác động của biến đổi khí hậu.

- Sử dụng hợp lý tài nguyên, năng lượng, khí quyển bao gồm khai thác tối đa lợi thế điều kiện tự nhiên, ánh sáng tự nhiên, giảm tác động của bức xạ...

- Tạo lập môi trường sống thích hợp trong cả đô thị, từng khu chức năng và trong từng ngôi nhà, chú trọng không gian xanh công cộng.

- Bảo tồn bản sắc và giá trị văn hóa đặc trưng của từng vùng miền, từng không gian truyền thống và lối sống truyền thống.

Từ những tiêu chí trên cho thấy, nghiên cứu công trình chất lượng cao, kiến trúc xanh, công trình xanh chỉ có hiệu quả thật sự khi có đô thị xanh. Một đô thị bền vững với sáng tạo và quản lý chặt chẽ chỉ có từ công trình có chất lượng./.

(Nguồn: baoxaydung.com.vn)
Đường dẫn của bản tin này: http://acud.vn//.html&t=khong-co-cong-trinh-tot-trong-quy-hoach-thieu-dong-bo
© ACUD.VN: Chuyên trang Thông tin - Thư viện xây dựng onlineEmail: support@acud.vn