Thứ sáu, 11-07 GMT+7

Điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030 tầm nhìn 2050:

Chiều 2/7, tại Hà Nội, Hội đồng thẩm định Bộ Xây dựng tiến hành thẩm định Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030 tầm nhìn 2050. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn – Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì hội nghị. Tham dự còn có chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình - Bùi Văn Thắng, cùng đại diện các Bộ, Ban ngành, Hội nghề nghiệp liên quan.

Thành phố “Sinh thái, hiện đại, bản sắc, cạnh tranh bền vững”


Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đặc biệt quan tâm đến Đồ án quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030 tầm nhìn 2050

Nòng cốt chủ yếu là du lịch, văn hóa và sinh thái

Tại Hội đồng thẩm định, đại diện đơn vị tư vấn Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd (Nhật Bản) trình bày nội dung Đồ án quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030 tầm nhìn 2050. Theo đó, phạm vi lập quy hoạch đô thị Ninh Bình sẽ là 21.052 ha, phía bắc giáp huyện Gia Viễn, phía Nam giáp thị xã Tam Điệp, phía Tây giáp huyện Gia Viễn và Nho Quan, phía Đông giáp tỉnh Nam Định.

Quan điểm và mục tiêu lập quy hoạch phải phù hợp với yêu cầu phát triển của đô thị Ninh Bình trong giai đoạn mới, gắn kết đô thị Ninh Bình và các khu vực khác của tỉnh, với thủ đô Hà Nội và cả nước. Xây dựng đô thị Ninh Bình trở thành thành phố “Sinh thái, hiện đại, bản sắc, cạnh tranh bền vững”. Phát triển du lịch bền vững mà nòng cốt chủ yếu là du lịch, văn hóa và sinh thái; đồng thời, tôn trọng và phát huy giá trị truyền thống, các di sản thiên nhiên, di sản văn hóa lịch sử vật thể và phi vật thể của địa phương.

Dựa trên các phân tích, đánh giá tổng hợp về đặc điểm tự nhiên, lịch sử, hiện trạng phát triển kinh tế và dân số, đơn vị tư vấn đã quy hoạch đô thị Ninh Bình tầm nhìn 2050 là thành phố cố đô ngàn năm - Trung tâm lịch sử - văn hóa và du lịch Quốc gia có ý nghĩa quốc tế. Đưa ra các chỉ tiêu dự báo, Đồ án đã chỉ ra cách phân bố dân cư và chọn hướng phát triển đô thị, nêu cấu trúc đô thị, đường viền Skyline (quy định chiều cao công trình hợp lý và cân đối giữa phát triển đô thị với bảo tồn cảnh quan núi non)…

Về định hướng phát triển không gian, kiến trúc và cảnh quan các khu vực, Đồ án chỉ ra, khu vực trung tâm đô thị được bố trí theo hình thức đồng tâm. Lõi đô thị là trung tâm với mật độ cao, tiện nghi và thuận tiện. Khu vực xung quanh với mật độ dân số thấp. Bao bọc xung quanh khu vực này là vành đai xanh, mang lại không khí trong lành (cấu trúc tương đương thủ đô London của Anh).

Dọc sông Đáy sẽ bố trí khu hỗn hợp và công viên kết nối với trung tâm đô thị. Khu vực Bái Đính xây dựng thêm nhiều công trình lưu trú phục vụ khách du lịch, tuy nhiên phải tìm đặc điểm riêng như: xây dựng con phố năng động. Ở bên ngoài danh thắng Tràng An có thể bố trí trung tâm hội nghị, khách sạn… Khu Hoa Lư thì sử dụng công trình hiện có để chỉnh trang, cải tạo. Khu Tam Cốc đưa thêm nhiều loại hình du lịch như làng nghề truyền thống để tăng thêm hình thái du lịch trong địa bàn này.

Khu vực nông thôn được chia thành 5 khu vực: Khu làng hiện hữu, khu bảo tồn đất nông nghiệp, khu trung tâm vùng, khu tiểu thủ công nghiệp và khu nông thôn đô thị hóa. Các sản phẩm nông nghiệp cần được áp dụng công nghệ mới.

Đối với định hướng phát triển hạ tầng xã hội, Đồ án chỉ ra định hướng chỉ tiêu nhà ở, đất xây dựng. Về định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật, sẽ bố trí đường tránh ĐT477 thành được giao thông chính. Ngoài đường bộ, Ninh Bình sẽ có ga đường sắt, sân bay, mạng đường thủy…

Đồ án đưa ra quy hoạch san nền có tính đến phòng tránh lũ lụt; phương án thoát nước mưa; cấp nước; cấp điện; hệ thống thông tin liên lạc…; Đề xuất công trình công cộng ngầm.

Đơn vị tư vấn cũng đánh giá từng yếu tố môi trường tác động bởi dự án để đưa ra giải pháp bảo vệ môi trường với từng phân vùng, đưa ra biện pháp giám sát quản lý môi trường. Nhu cầu và các giải pháp về vốn đầu tư; giải pháp thực hiện quy hoạch cũng đã được tư vấn nghiên cứu trong Đồ án.

Đồ án cần định hướng rõ ràng và cụ thể hơn

Sau khi nghe trình bày của đơn vị tư vấn về nội dung Đồ án quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030 tầm nhìn 2050; cùng 2 ý phản biện, Hội đồng thẩm định đánh giá cao sự nghiên cứu công phu của Đồ án cũng như nỗ lực làm việc của đơn vị tư vấn, của tỉnh Ninh Bình; cấu trúc các mục trong thuyết minh hợp lý, nội dung cần thiết, đáp ứng được nhiệm vụ. Bên cạnh những mặt đạt được, Hội đồng cũng đóng góp một số ý kiến để nội dung Đồ án hoàn chỉnh hơn.

Phản biện về đồ án của Hội kiến trúc sư cho rằng điều kiện tự nhiên hiện trạng trong Đồ án khá chi tiết, chỉ rõ lợi thế của điều kiện tự nhiên; tuy nhiên, đánh giá này còn mang tính mô tả. Định hướng phát triển không gian cô đọng, đầy đủ; những đề xuất chính có giá trị thuyết phục. Hội Kiến trúc sư lưu lý, Đồ án cần đánh giá khách quan sâu sắc hơn bộ khung cảnh quan sinh thái thiên nhiên cũng như biến đổi không gian tích cực và tiêu cực. Bên cạnh giá trị khu sinh thái Tràng An cần thiết nhấn mạnh thêm của hệ thống mặt nước, sông ngòi.

Định hướng phát triển không gian và thiết kế đô thị, cần tôn trọng và khai thác hợp lý những đặc điểm làm nên giá trị cảnh quan tự nhiên của khu vực. Về cấu trúc và cơ cấu quy hoạch giữa các khu đô thị hiện hữu, khu đô thị mở rộng phía Bắc và Nam nên có khoảng giãn cách; để mỗi đô thị có hình thái đô thị riêng nhưng thống nhất trong cảnh quan chung…

Đại diện Bộ VHTT&DL cho rằng Tư vấn cần làm rõ số liệu hiện trạng dân số bởi có một số chỉ tiêu còn thiếu so với quy định. Phát triển du lịch cần phải có trọng điểm…

Đại diện Bộ GTVT cho biết, Đồ án đã cập nhật giao thông đa loại hình do Bộ GTVT đóng góp. Nhưng bất cứ quy hoạch đô thị nào cũng phải chú ý cốt san nền khác cốt quốc lộ. Cốt thoát nước và cốt cao độ rất quan trọng. Đô thị có hướng sinh khí và thủy khí rất lớn và Ninh Bình có Sông Đáy, sông Tràng An nên cần thêm phương án nối hai sông để sinh ra thủy khí.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn chỉ rõ trong định hướng không gian, Đồ án còn tản mạn, không rõ ràng để Tỉnh làm được quy hoạch phân khu. Phần nội đô hơn 40km2 chưa được nhắc tên trong Đồ án để định hướng kiến trúc, bổ sung khiếm khuyết đô thị hiện tại. Đồ án phải nhấn mạnh du lịch, khai thác các dịch vụ du lịch phải có quy hoạch. Vấn đề giao thông cần được đề cập trong Đồ án để có thể nhận biết được đường mới, đường cũ… Quy hoạch phải nêu rõ động lực để phát triển. Bên cạnh đó, Đồ án cũng cần mời thêm nhiều chuyên gia của Nhật đóng góp ý kiến để Đồ án đi vào cuộc sống.

Thứ trưởng yêu cầu Đồ án nên chỉnh sửa rút gọn, chắt lọc; đồng thời, phải hoàn thành Tờ trình và dự thảo Quyết định trước 15/7/2014.

Có mặt tại Hội đồng thẩm định, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đặc biệt quan tâm đến Đồ án quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030 tầm nhìn 2050. Bộ trưởng nhấn mạnh: Đồ án hoàn thành nhằm tăng cường quản lý, thu hút đầu tư, tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng yêu cầu hiện đại, phát triển bền vững, phấn đấu xây dựng và phát triển đô thị Ninh Bình trở thành đô thị loại II và trở thành đô thị loại I năm 2030 với vai trò là trung tâm văn hóa, lịch sử, du lịch Quốc gia.

 

(Nguồn: baoxaydung.com.vn)
Đường dẫn của bản tin này: http://acud.vn//.html&t=dieu-chinh-quy-hoach-chung-do-thi-ninh-binh-den-nam-2030-tam-nhin-2050
© ACUD.VN: Chuyên trang Thông tin - Thư viện xây dựng onlineEmail: support@acud.vn