Bảo tồn và phát huy di sản kiến trúc: Những tồn tại và giải pháp
9 10 34273

Bảo tồn và phát huy di sản kiến trúc: Những tồn tại và giải pháp

Di sản kiến trúc là bộ phận hữu cơ trong di sản văn hóa nhưng có vai trò hết sức quan trọng, được hình thành ngay trong quá trình phát triển của loài người, từ khi thoát thai từ thời kỳ hang động đến lúc ra ngoài - Đó là những hình thức sơ khai của kiến trúc, đầu tiên là công năng, sau đó mới phát sinh yếu tố thẩm mỹ. Hai chức năng đấy song song tồn tại từ lúc bình minh của lịch sử cho đến những giai đoạn sau này. Phải nhìn lại như thế để thấy rằng, vị trí của di sản kiến trúc là hết sức quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa chung của nhân loại.

anh minh hoa

Ảnh minh họa. 

Ở Việt Nam, cũng theo tiến trình phát triển chung, trải qua các giai đoạn hình thành và phát triển, di sản kiến trúc là 1 trong 4 loại di tích được phân loại: Di tích lịch sử, di tích nghệ thuật, khảo cổ và danh lam thắng cảnh.

Những tồn tại

Bảo vệ và phát triển di sản văn hóa nói chung, trong đó có kiến trúc, bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận, vẫn còn những hạn chế, tồn tại, bất cập. Có thể thấy những hiện tượng nổi bật như:

Nhận thức chung về di sản ở các cấp, ngành còn hạn chế. Quan niệm bảo tồn và phát triển chưa được nhận thức đầy đủ, đa phần là muốn phá để xây mới, hoặc sửa chữa theo kiểu mới (ví dụ như đình Lương Xá, bỏ hết cái cũ để xây bằng vật liệu mới), nhiều nơi do quy hoạch, loại bỏ những công trình kiến trúc có giá trị. Một xu hướng nữa là sử dụng công trình di sản vì mục đích thương mại, thậm chí bỏ qua mục tiêu phát triển và bảo tồn văn hóa…

Trong những năm qua, bản thân các cơ quan bảo tồn di tích cũng có những nhận thức sai lệch trong việc thực hiện tu sửa, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích. Có thể lấy ví dụ như báo chí vẫn đưa: Biến công trình nghìn năm tuổi thành 1 tuổi…; hoặc nhiều việc làm với mục đích tốt nhưng phương pháp không đúng thành ra lại phá di tích. Điển hình như việc chụp nhà kính lên tháp Phú Diên ở TT-Huế; hoặc việc chống đỡ và lợp mái tôn lên các tháp gạch ở Mỹ Sơn, An Giang, Tiền Giang…

Tình trạng quản lý các cơ quan làm công tác tu bổ di tích rất lộn xộn, không thống nhất, nhiều Cty không có chức năng này cũng nhân công trình bảo tồn, cứ việc mua gỗ mới về thay cho các cấu kiện cũ, bỏ hết những chi tiết chạm khắc giá trị, phá vỡ di tích… Việc quản lý có nhiều bất cập, thậm chí mang định mức xây dựng áp cho công trình tu bổ di tích. Điều này không đúng, cần phải rà soát từ khâu xây dựng chính sách, chế tài cho việc này.

Trong lĩnh vực bảo tàng, công tác xây dựng bảo tàng theo hình thức chìa khóa trao tay rất không hợp lý, không tính hết công năng sử dụng cho công tác bảo tồn bảo tàng.

Và giải pháp

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác bảo tồn, tu bổ di tích, ở đây tôi xin được đề xuất một vài giải pháp cơ bản:

Từ góc độ quản lý, cần thay đổi nhận thức, nội dung quản lý ở tầm vĩ mô, với các cấp các ngành. Phải có sự đồng bộ hữu hiệu giữa chính sách quản lý và hệ thống pháp luật, tăng cường trách nhiệm và nhận thức của những người làm công tác quản lý bảo tồn bảo tàng.

Cần xác định vai trò cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Tuyên truyền, phổ cập kiến thức về văn hóa, lịch sử, kiến trúc cho cộng đồng; nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Tuy nhiên, cần tôn trọng những nỗ lực của cộng đồng nhưng phải đảm bảo những nguyên tắc cơ bản của công tác bảo tồn, tu bổ di tích.

Vai trò của các KTS thật sự là rất quan trọng. Họ là những người am tường về khoa học kiến trúc, là người trực tiếp thực hiện công tác tu bổ di tích. Cần học hỏi thêm kinh nghiệm nước ngoài, bồi dưỡng, đào tạo kiến thức về văn hóa và di sản cho giới KTS. Những năm vừa qua, Viện Bảo tồn di tích đã tổ chức những khóa học dành cho những người làm công tác bảo tồn, tu bổ. Điều này rất cần được quan tâm và phát huy hơn nữa. Điều quan trọng hơn cả là: KTS cần có bản lĩnh và trách nhiệm nghề nghiệp, học hỏi và nghiên cứu; đồng thời phê phán những KTS thương mại hóa công tác bảo tồn.

Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn, cần có sự hiện diện của các nhà chuyên môn thuộc lĩnh vực kiến trúc, để tư vấn thêm cho Chính phủ (nhiệm kỳ III thiếu vắng Hội KTS Việt Nam, các nhiệm kỳ sau cần có sự tham gia của Hội KTS Việt Nam).

Một vài chia sẻ, hy vọng rằng với sự tham gia của các bên, từ quản lý, đến người làm công tác tu bổ di tích, đến cộng đồng dân cư, những di sản sẽ được trân trọng, di sản kiến trúc sẽ được bảo tồn và phát huy giá trị đúng cách, tạo ra sức sống và giá trị mới của di sản trong cuộc sống đương đại.

Đa phần là muốn phá để xây mới, hoặc sửa chữa theo kiểu mới; nhiều nơi do quy hoạch, loại bỏ những công trình kiến trúc có giá trị; sử dụng công trình di sản vì mục đích thương mại...

 

baoxaydung

[Trở về] [Đầu trang] In bài viết Gửi cho bạn bè

Các tin khác:
Story
Đang cập nhật
Thăm dò ý kiến
Bạn thường lấy văn bản pháp lý về xây dựng từ đâu?
Download trên mạng
Đi mua
Từ cơ quan
Từ bạn bè đồng nghiệp
Thống kê truy cập
Số người online:   0001
Lượt truy cập   4008980