Quốc hội thông qua Luật Kiến trúc
9 10 32891

Quốc hội thông qua Luật Kiến trúc

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 13/6, với 88,64% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Kiến trúc.

anh minh hoaĐoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tham gia biểu quyết thông qua Luật Kiến trúc. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
 

Luật gồm 5 chương với 41 điều, quy định về quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc, quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc.

Một nội dung quan trọng của Luật là nguyên tắc hoạt động kiến trúc được quy định: Phù hợp với định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn; đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai; bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống, tiếp thu chọn lọc tinh hoa kiến trúc thế giới.

Luật hướng tới xây dựng nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; ứng dụng khoa học, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới phù hợp với thực tiễn Việt Nam bảo đảm hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân; kết hợp hài hòa lợi ích của quốc gia, cộng đồng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm trong quá trình thảo luận là vấn đề về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc. Luật quy định rõ: Bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc bao gồm đặc điểm, tính chất tiêu biểu, dấu ấn đặc trưng về điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, văn hóa, nghệ thuật; thuần phong mỹ tục các dân tộc; kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng, được thể hiện trong các công trình kiến trúc, tạo nên một phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam.

Trước khi thông qua Luật, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kiến trúc do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày.

Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng các ý kiến của đại biểu, dự án Luật đã bổ sung Điều 5 quy định về bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc, bao gồm: Các đặc điểm, tính chất tiêu biểu và đặc trưng tạo nên phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam, trên cơ sở điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, văn hóa, nghệ thuật; thuần phong mỹ tục của các dân tộc tại địa phương; kỹ thuật xây dựng, vật liệu xây dựng. Vì vậy, tại khoản 2 Điều 5 dự thảo Luật giao UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức, nghiên cứu, khảo sát, đánh giá để quy định về bản sắc văn hóa dân tộc trong Quy chế quản lý kiến trúc là phù hợp.

Quy định mang tính phân cấp như dự thảo Luật còn tăng cường vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực kiến trúc trên địa bàn. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng Quy chế, UBND cấp tỉnh căn cứ nội dung về bản sắc văn hóa dân tộc trong định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam, nếu thấy cần thiết sẽ xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương.

Mặt khác, nếu quy định cơ quan quản lý nhà nước cấp Trung ương phê duyệt tất cả các quy chế trên phạm vi cả nước thì không khả thi và dễ phát sinh nhiều thủ tục hành chính. Do đó, dự thảo Luật chỉ quy định khi lập Quy chế quản lý kiến trúc của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc Trung ương thì mới phải có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng (khoản 4, Điều 14).

Về chứng chỉ hành nghề kiến trúc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, với tình hình kinh tế – xã hội thay đổi rất nhanh chóng như hiện nay, hoạt động phát triển nghề nghiệp liên tục (khoản 1 Điều 23) là rất cần thiết. Do đó, nên quy định thời hạn của chứng chỉ hành nghề kiến trúc nhằm quản lý chặt chẽ chất lượng hành nghề của đội ngũ này thông qua việc yêu cầu các kiến trúc sư có chứng chỉ hành nghề phải liên tục học tập, cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng chuyên môn, duy trì đạo đức nghề nghiệp.

Qua nghiên cứu, khảo sát thực tế và ý kiến của đông đảo kiến trúc sư, quy định thời hạn 10 năm chứng chỉ hành nghề kiến trúc là phù hợp với tính chất hoạt động nghề nghiệp của kiến trúc sư, nếu giảm thời hạn xuống 05 năm thì sẽ phát sinh thêm các thủ tục hành chính. Hơn nữa, theo quy định tại khoản 2 Điều 23, tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc còn có trách nhiệm đánh giá phát triển nghề nghiệp liên tục của kiến trúc sư hành nghề. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép được giữ quy định này như dự thảo Luật.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 28, các cá nhân cũng chỉ được miễn một điều kiện về sát hạch chứng chỉ hành nghề (điểm c khoản 1) chứ không mặc nhiên được cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Hơn nữa, cá nhân là cán bộ, công chức đang làm việc tại cơ quan, tổ chức liên quan đến lĩnh vực kiến trúc thì vẫn được xét cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Nếu cán bộ, công chức sử dụng chứng chỉ hành nghề để hoạt động cung cấp dịch vụ kiến trúc thì sẽ bị điều chỉnh bởi pháp luật về cán bộ, công chức, pháp luật phòng chống tham nhũng và pháp luật khác có liên quan. Tuy nhiên, nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, bổ sung theo hướng thu hẹp đối tượng được xét miễn điều kiện sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề tại khoản 3 Điều 28.

taptrikientruc

[Trở về] [Đầu trang] In bài viết Gửi cho bạn bè

Các tin khác:
Story
Đang cập nhật
Thăm dò ý kiến
Bạn thường lấy văn bản pháp lý về xây dựng từ đâu?
Download trên mạng
Đi mua
Từ cơ quan
Từ bạn bè đồng nghiệp
Thống kê truy cập
Số người online:   0001
Lượt truy cập   3986779